Theo Bộ Công thương, tám tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 950 nghìn tấn, tăng hơn sáu lần so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái-lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, đạt gần 860 nghìn tấn (so cùng kỳ 2019 là 145 nghìn tấn và cả năm 2019 là 300 nghìn tấn). Theo đại diện ngành sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường Biên Hòa trong nước. Sản lượng đường trong nước niên vụ 2019 – 2020 ước tính 800 nghìn tấn, sụt giảm so 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 – 2019. Việc điều tra chống bán phá giá của Bộ Công thương là cần thiết nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước và nhất là người trồng mía. Nhưng chỉ với sự cố gắng của ngành công thương liệu thật sự hiệu quả? Trong khi do việc thiếu kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) trong nước có dấu hiệu lợi dụng chính sách nhập khẩu đường. Với số liệu lượng đường nhập khẩu mà Bộ Công thương đưa ra như trên, thì theo số liệu chúng tôi có được, chỉ tính riêng Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC – Biên Hòa, bao gồm các công ty thành viên), đã nhập khẩu hơn 559.226 tấn đường các loại (chiếm 2/3 tổng lượng đường nhập cả nước), chủ yếu từ các nước như Thái-lan, Singapore… Trong khi đó, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của TTC – Biên Hòa, vụ ép năm 2019 – 2020 đã thực hiện sản lượng mía ép được 1.838 nghìn tấn mía (tương đương khoảng 180 nghìn tấn đường) nhưng tổng sản lượng đường tiêu thụ lên đến 1.056 nghìn tấn đường, doanh thu đạt hơn 12.889 tỷ đồng. Với những con số này, thì có đến hơn 876 nghìn tấn đường bán ra không phải do TTC – Biên Hòa ép từ mía mà mua đường từ đơn vị khác hoặc nhập khẩu.